Ép xung CPU với Intel® Extreme Tuning Utility

Điểm nổi bật:

  • Điểm chuẩn.

  • Tinh chỉnh nâng cao.

  • Đo hiệu năng đạt được.

  • Sự ổn định hệ thống.

  • Giám sát.

author-image

Bởi

Ép xung là biện pháp thiết thực để tận dụng CPU (bộ xử lý trung tâm) tốt hơn.

Quá trình này đạt được bằng cách tăng tối đa tần số CPU một cách cẩn thận, cũng như cân bằng tần số đó thông qua điều chỉnh điện áp để chạy bộ xử lý ở mức cao hơn cấu hình mặc định. Ép xung có thể giúp CPU đạt hiệu năng cao hơn nếu được thực hiện đúng cách. Qua đó, hiệu năng tổng thể của máy tính có thể sẽ tốt hơn.

Hướng dẫn này trình bày cách sử dụng Intel® Extreme Tuning Utility (Intel® XTU) để giúp bạn ép xung CPU dễ dàng. Việc ép xung ổn định bằng cách thủ công có thể sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng phần mềm miễn phí này sẽ giúp quá trình đó trở nên đơn giản đáng kể.

Intel® Extreme Tuning Utility (Intel® XTU) là tiện ích dành cho người dùng trung cấp, có kiến thức cơ bản về ép xung và cách ép xung. Nếu bạn không phải là đối tượng của tiện ích này, chúng tôi khuyên bạn nên xem hướng dẫn ép xung của chúng tôi trước khi tiếp tục.

AI Assist là chế độ Intel® XTU được giới thiệu trong phiên bản 7.13.0.x sử dụng mô hình AI để ước tính cài đặt ép xung ổn định cho hệ thống của bạn. Nó cung cấp một quy trình từng bước đơn giản khiến nó trở thành lựa chọn tốt cho những người mới làm quen và những người muốn nhanh chóng có được các cài đặt tối ưu bằng các thuật toán Intel AI.

Trong hướng dẫn này, chúng tôi sẽ sử dụng bộ xử lý để bàn Intel® Core™ i9-9900K, các đề xuất và kết quả của chúng tôi sẽ dựa trên bộ xử lý này. Một số cài đặt có thể sẽ khác nhau tùy vào bộ xử lý bạn sử dụng, vì có nhiều sự chênh lệch ngay cả giữa các model CPU giống hệt nhau. Đừng giả định rằng bạn sẽ nhận được kết quả giống hệt với chúng tôi, ngay cả khi sử dụng phần cứng tương tự.

Việc thay đổi tần số xung nhịp hoặc điện áp có thể làm mất hiệu lực bảo hành sản phẩm và làm giảm tính ổn định, bảo mật, hiệu suất và tuổi thọ của bộ xử lý và các linh kiện khác.

Ép xung trong Windows bằng cách sử dụng Intel® Extreme Tuning Utility (Intel® XTU)

Trong thời gian dài, việc ép xung được thực hiện thủ công thông qua BIOS. Đây là hệ thống đầu vào và đầu ra cơ bản giúp tải hệ điều hành. Mặc dù bạn vẫn có thể ép xung bằng phương pháp này, nhưng Intel đã hợp lý hóa quá trình ép xung bằng cách cung cấp một giải pháp phần mềm có thể sử dụng trong Windows.

Intel® Extreme Tuning Utility (Intel® XTU) có giao diện thân thiện với người dùng và phù hợp với hầu hết các nhãn hiệu và model bo mạch chủ hiện đại. Do đó, đây là lựa chọn ép xung lý tưởng tất cả trong một.

Bạn có thể tải về Intel® XTU miễn phí tại đây.

Chuyên gia AI

Bạn chưa từng ép xung trước đây và không biết bắt đầu từ đâu? Bắt đầu với AI Assist - tính năng Intel® XTU giúp dễ dàng ép xung hệ thống của bạn. AI Assist ước tính các cài đặt được tối ưu hóa cho các thông số ép xung chính, ví dụ: Tỷ lệ lõi CPU.

Lưu ý: AI Assist có sẵn bắt đầu từ Intel® XTU. 7.13.0.x. Kể từ tháng 1 năm 2024, AI Assist được hỗ trợ trên bộ xử lý Intel® Core™ i9-14900K, i9-14900KF, i9-14900KS, i7-14700K và i7-14700KF.

Để bắt đầu, hãy điều hướng đến AI Assist trong menu thanh bên trên màn hình chính Intel® XTU (xem hình ảnh bên dưới).

Bước đầu tiên trong việc sử dụng AI Assist là mô tả đặc điểm hệ thống của bạn. AI Assist thực hiện điều đó bằng cách chạy một tập hợp các thử nghiệm để xác định hiệu năng đường cơ sở và tiềm năng ép xung. Hiệu năng đường cơ sở có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thay đổi nào đã được thực hiện cho hệ thống, do đó chúng tôi khuyên bạn nên khôi phục cài đặt mặc định của hệ thống trong BIOS - tham khảo hướng dẫn sử dụng hệ thống của bạn về cách thực hiện. Chúng tôi cũng yêu cầu bạn đóng tất cả các ứng dụng khác và không mở các ứng dụng mới trong khi AI Assist đang chạy thử nghiệm vì nó có thể ảnh hưởng đến đầu ra mà nó cung cấp.

Bây giờ bạn đã sẵn sàng để bắt đầu sử dụng AI Assist - nhấn nút “Ký tự” và để AI Assist bắt đầu đặc tính hóa hệ thống. Thông thường, phải mất khoảng 45 giây đến một phút trước khi bạn thấy danh sách các giá trị ép xung ước tính trên màn hình (xem hình ảnh bên dưới).

Hệ thống của bạn chưa được ép xung. Màn hình này hiển thị so sánh song song giữa Giá trị Hiện tại (bên trái) và Giá trị Mới (bên phải) mà AI Assist ước tính để ép xung có hiệu lực.

Lưu ý: Ước tính của AI Assist, cụ thể cho hệ thống của bạn dựa trên đặc tính mà nó vừa thực hiện, vì vậy Giá trị Hiện tại và Giá trị Mới cho hệ thống của bạn có thể khác với các giá trị trên hình ảnh trên.

Nhấp vào "Áp dụng" để áp dụng các cài đặt ép xung mới. Bây giờ hệ thống của bạn đang chạy với các điều chỉnh AI Assist.

Từ đây, bạn có thể chuyển trở lại thói quen bình thường của mình và tận hưởng hiệu năng ép xung được cải thiện hoặc khám phá các tính năng còn lại của Intel® XTU.

Giám sát hệ thống

Giám sát nhiệt độ CPU là yếu tố cực kỳ quan trọng khi ép xung. Thật may mắn là Intel® XTU có các hệ thống giám sát nhiệt độ tích hợp sẵn và sẽ báo cho bạn biết khi nào nhiệt độ tăng đến mức nghiêm trọng và khi nào các biện pháp bảo vệ an toàn được kích hoạt.

Một biện pháp bảo vệ như vậy được gọi là điều chỉnh tần số động hoặc tiết lưu nhiệt. Quá trình này kích hoạt khi nhiệt độ CPU đạt đến hoặc vượt quá ngưỡng tối đa cho phép, đồng thời bảo vệ CPU bằng cách giảm hiệu năng cho đến khi nhiệt độ trở về mức thấp hơn. Kết quả điểm chuẩn của Intel® XTU sẽ phản ánh mức hiệu năng bị giảm.

Trong giao diện Intel® XTU, bạn sẽ nhận thấy đèn báo thay đổi từ màu xanh dương (OK) sang màu vàng (Not OK) khi vấn đề này xảy ra.

Có những biện pháp phòng ngừa khác mà bạn có thể cần áp dụng khi sử dụng Intel® XTU. Điều quan trọng là bạn phải biết về chúng để phòng trường hợp cần đến trong khi ép xung:

  • Điều chỉnh giới hạn điện năng. Biện pháp này cho phép CPU tiêu thụ nhiều điện năng (Watt) hơn, ngay cả khi giá trị này vượt quá thông số kỹ thuật khuyến nghị.
  • Điều chỉnh giới hạn dòng điện. Biện pháp này cho phép bạn điều chỉnh giới hạn dòng điện mà CPU sử dụng, bằng cách dùng thanh trượt "Processor Core ICCMAX". Hãy đảm bảo hệ thống của bạn có giải pháp tản nhiệt đủ mạnh trước khi điều chỉnh, vì cài đặt này có thể tác động đáng kể đến lượng nhiệt mà CPU sinh ra.
  • Nhiệt từ VR bo mạch chủ. Tình huống này xảy ra khi quá trình truyền điện qua VRM (mô-đun bộ ổn áp) của bo mạch chủ sinh ra lượng nhiệt quá cao. Để giải quyết vấn đề này, có thể bạn cần tăng nhiệt độ phân bổ tối đa của bo mạch chủ hoặc cấu hình lại hệ thống làm mát để tản nhiệt hiệu quả hơn cho khu vực bo mạch chủ gần CPU.

Không phải ngẫu nhiên mà cài đặt điện năng và nhiệt độ được giám sát kỹ. Khi điều chỉnh các thông số này, hãy lưu ý đến độ nhạy của các bộ phận điện. Không điều chỉnh quá nhiều giữa mỗi lần thử nghiệm, đồng thời đảm bảo bạn có giải pháp tản nhiệt thích hợp khi muốn thay đổi các biến số này.

Tham khảo “Tiêu thụ điện và công suất nhiệt” để biết thêm thông tin.

Bây giờ, khi bạn đã biết về các thông số an toàn mà bạn có thể gặp phải, hãy bắt đầu bước đầu tiên trong việc ép xung.

Bước một: Thiết lập hiệu năng cơ sở

Trước khi thay đổi thiết lập, bạn nên lập nên một con số cho hiệu năng cơ sở. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng xác định mức tăng hiệu năng khi ép xung thành công.

Để thiết lập con số này, chúng ta có thể sử dụng hai lựa chọn đo điểm chuẩn tích hợp của Intel® XTU.

Tinh chỉnh cơ bản: Trong thẻ này, chỉ cần nhấp vào nút “Run Benchmark” (Chạy điểm chuẩn). Thao tác này sẽ thử nghiệm hiệu năng hệ thống và cung cấp điểm số.

Đo điểm chuẩn: Thẻ đo điểm chuẩn có nút “Run Benchmark” (Chạy điểm chuẩn) tương tự. Phần này cung cấp thông tin bổ sung có thể hữu ích cho những người dùng giàu kinh nghiệm hơn, chẳng hạn như tần số tối đa của bộ xử lý và nhiệt độ tối đa trong quá trình đo điểm chuẩn.

Sau khi hoàn tất đo điểm chuẩn, thẻ này sẽ cung cấp điểm số. Điểm này là số đo hiệu năng cơ sở. Khi thử nghiệm bộ xử lý Intel® Core™ i9-9900K, chúng tôi nhận được điểm chuẩn là 3239 điểm. Điểm số của bạn có thể sẽ khác, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn ghi lại con số này vì bạn sẽ cần tham chiếu lại sau.

Bước hai: Điều chỉnh cài đặt hiệu năng

Bây giờ, sau khi đã có điểm hiệu năng, chúng ta có thể bắt đầu điều chỉnh các thông số hoạt động của CPU và tiến hành ép xung.

Bạn có thể đọc chi tiết các nguyên tắc cơ bản về ép xung tại đây, nhưng các nội dung cơ bản của quá trình ép dung như sau: bắt đầu bằng cách điều chỉnh tỷ lệ lõi CPU. Sau đó, áp dụng các thay đổi và khởi động Windows. Nếu khởi động thành công, hãy chạy điểm chuẩn và kiểm tra xem điểm số có cải thiện không. Nếu hệ thống bị lỗi, hãy quay lại Intel® XTU, khôi phục cài đặt khả thi gần nhất và thử lại. Đây là khi sự hữu ích của việc lưu cài đặt trong hồ sơ được thể hiện.

Khi xác định được những cài đặt giúp ép xung thành công và hệ thống ổn định, bạn có thể lưu hồ sơ này vào Intel® XTU để ghi nhận cấu hình hoạt động tốt. Hành động này sẽ có ích khi sao chép các thử nghiệm khác nhau và lưu các thử nghiệm thành công.

Để lưu hồ sơ, hãy vào thẻ “Profiles” (Hồ sơ) và nhấp vào “Save” (Lưu). Bạn sẽ có thể đặt tên và sắp xếp hồ sơ của mình.

Để tải hồ sơ đã lưu, hãy truy cập thẻ “Profiles” (Hồ sơ) và chọn hồ sơ bạn muốn tải. Nhấp vào nút “Show Values” (Hiển thị giá trị) để tải trước các cài đặt (các giá trị đã thay đổi sẽ có màu vàng), sau đó nhấp vào “Apply” (Áp dụng) để sử dụng các cài đặt đó.

Có hai cách để ép xung trong Intel® XTU: Tinh chỉnh cơ bản và tinh chỉnh nâng cao.

Tinh chỉnh cơ bản

Đúng như tên gọi, tùy chọn này cung cấp lựa chọn giới hạn các tham số để điều chỉnh. Đây là điểm khởi đầu tốt cho những người mới ép xung lần đầu.

Từ thẻ này, điều chỉnh thanh trượt “Processor Core ratio” (Tỷ lệ lõi của bộ xử lý) và tăng lên gấp 1 lần. Tốt nhất là tăng dần các bội số này theo những bước nhỏ, khởi động lại, rồi kiểm tra độ ổn định thay vì thay đổi đáng kể bất kỳ cài đặt nào.

Áp dụng quy trình tương tự với thanh trượt “Processor Cache Ratio” (Tỷ lệ bộ nhớ đệm cache của bộ xử lý). Quá trình này điều chỉnh tần số của bộ phận CPU kết nối lõi với bộ nhớ đệm cache của bộ xử lý. Việc cài đặt Tỷ lệ bộ nhớ đệm cache ở tần số thấp hơn Tỷ lệ lõi có thể làm giảm hiệu năng. Nếu đây là lần đầu bạn ép xung, chúng tôi khuyên bạn nên cài đặt sao cho hai tần số gần bằng nhau, nhưng hãy thoải mái thử nghiệm để xem cách nào hiệu quả nhất.

Nếu bạn muốn thử nghiệm với Tỷ lệ lõi của bộ xử lý, chỉ tăng thêm một bội số mỗi lần, áp dụng thay đổi, sau đó thử nghiệm.

Sau khi bạn đã thực hiện và áp dụng các thay đổi, hãy chuyển sang “Bước ba: Đo lường mức tăng hiệu năng”. Nếu hệ thống của bạn không ổn định, dẫn đến đóng băng hoặc tắt, bạn chỉ cần khởi động lại hệ thống, cài đặt chức năng đã biết gần nhất sẽ được khôi phục.

Tinh chỉnh nâng cao

Thẻ tinh chỉnh nâng cao cung cấp thêm các tùy chọn giúp bạn kiểm soát tốt hơn cách hoạt động của CPU. Tính năng này được thiết kế cho những người dùng cao cấp hơn, có hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc ép xung.

Ở đây, bạn có thể thay đổi Tỷ lệ lõi của bộ xử lý trên mỗi lõi riêng. Để thay đổi bội số của tất cả các lõi CPU cùng một lúc, hãy sử dụng mũi tên nằm bên phải của thanh trượt lõi được liệt kê gần nhất. Bạn cũng có thể tinh chỉnh hơn nữa Tỷ lệ bộ nhớ đệm cache của bộ xử lý ở phần này. Như đã giải thích trong phần Tinh chỉnh cơ bản ở trên, tốt nhất là bạn nên cài đặt sao cho hai giá trị này gần bằng nhau khi ép xung lần đầu tiên.

Một mục khác cho phép bạn điều chỉnh Vcore (Điện áp lõi). Để chạy ở tốc độ nhanh hơn, CPU có thể cần nhiều điện năng hơn nhằm duy trì độ ổn định, đó là khi điều chỉnh Vcore trở nên quan trọng. Giá trị này có thể tăng lên để duy trì tỷ lệ lõi cao hơn nếu bạn nhận thấy hệ thống không ổn định.

Nếu bạn không biết Vcore mặc định nhưng vẫn muốn tăng, bạn có thể sử dụng thanh trượt “Core Voltage Offset” (Bù điện áp lõi). Thao tác này sẽ thêm Vcore hiện tại của bạn vào giá trị đã chọn. Khi thay đổi những cài đặt này, tốt nhất là không nên vượt quá 0,05V mỗi lần.

Lưu ý về việc điều chỉnh điện áp:

  • Nếu bạn muốn thay đổi Vcore (điện áp lõi) của CPU thành một giá trị cụ thể, chỉ cần chọn giá trị đó bằng thanh trượt “Core Voltage” (Điện áp lõi).
  • Cả hai thanh trượt “Core Voltage” (Điện áp lõi) và “Core Voltage Offset” (Bù điện áp lõi) sẽ được cộng vào khi áp dụng. Có nghĩa là nếu bạn đặt Vcore thành 1,1V, sau đó bù thêm +0,2V, nghĩa là bạn sẽ áp dụng giá trị Vcore là 1,3 volt.

Phần Tinh chỉnh nâng cao cung cấp nhiều cài đặt mà bạn có thể thử nghiệm, nhưng nếu bạn mới biết đến ép xung, các cài đặt chính cần tập trung vào là Tỷ lệ lõi của bộ xử lý, Tỷ lệ bộ nhớ đệm cache của bộ xử lý và có thể là Điện áp lõi. Có thể bạn sẽ không làm hỏng CPU khi điều chỉnh các cài đặt khác nhờ có các tính năng an toàn được tích hợp sẵn. Nhưng nếu bạn không biết chính xác những cài đặt này có chức năng gì và chúng sẽ tác động đến CPU như thế nào, tốt nhất là hãy tập trung vào ba cài đặt cơ bản trên.

Hãy nhớ điều chỉnh chậm rãi và không bao giờ thay đổi nhiều hơn một cài đặt mỗi lần. Sau khi điều chỉnh, nhấp vào nút “Apply” (Áp dụng) màu vàng trong giao diện Intel® XTU.

Bước ba: Đo lường mức tăng hiệu năng

Sau khi thay đổi trong Intel® XTU và đảm bảo hệ thống của bạn ổn định, đã đến lúc kiểm tra xem những thay đổi đó có ảnh hưởng tích cực đến hiệu năng của CPU không.

Để xác định, hãy chạy lại tiện ích điểm chuẩn và so sánh kết quả với điểm số trước đó của bạn. Nếu đã có những thay đổi phù hợp, bạn sẽ thấy hiệu năng đo được tăng lên so với điểm chuẩn. Con số này sẽ khác nhau tùy vào từng CPU. Nhưng khi ép xung, thông thường thì số này càng cao càng tốt.

Nếu hài lòng với mức tăng hiệu năng này, bạn có thể thực hiện bước tiếp theo và xác minh độ ổn định của hệ thống. Nếu không, hãy lặp lại quy trình tinh chỉnh cho đến khi đạt đến mức hiệu năng bạn mong muốn cho hệ thống.

Theo mục đích của bài viết này, chúng tôi sử dụng điểm chuẩn Intel® XTU để đo hiệu năng của CPU. Tùy vào mục đích sử dụng CPU, bạn có thể sử dụng các điểm chuẩn khác có thể phản ánh chính xác hơn khối lượng công việc của mình, dù đó là mã hóa video, xử lý loạt ảnh, hiệu năng trong game, v.v.

Tìm hiểu thêm về các tùy chọn điểm chuẩn có sẵn khác nhau tại đây.

Bước bốn: Kiểm tra độ ổn định của hệ thống và kiểm tra cường độ cao

Giai đoạn cuối cùng của quá trình ép xung giúp đảm bảo hệ thống của bạn sẽ duy trì ổn định khi sử dụng CPU đã ép xung. Việc chạy điểm chuẩn đơn thuần có thể không đủ để xác định độ ổn định tổng thể của hệ thống, vì hầu hết các điểm chuẩn đều không mô phỏng đầy đủ môi trường sử dụng CPU cường độ cao, lâu dài. Để kiểm tra đầy đủ độ ổn định và xác thực có thể sử dụng CPU đã ép xung ở cường độ cao, cần phải thử nghiệm lâu hơn.

Rất may là Intel® XTU đi kèm với các bài kiểm tra cường độ cao tích hợp, trong thẻ “Stress Test” (Kiểm tra cường độ cao). Bạn có thể chọn bộ phận cần kiểm tra (CPU, bộ nhớ hoặc đồ họa tích hợp) và quyết định thời gian kiểm tra, từ vài giây đến 30 ngày.

Dưới đây là một số khoảng thời gian kiểm tra nên cân nhắc:

  • 5 phút để kiểm tra nhanh độ ổn định. Thời gian này có thể sẽ không phản ánh khối lượng công việc 24/7, nhưng sẽ chính xác hơn so với điểm chuẩn Intel® XTU.
  • 30 phút để đạt được độ ổn định chắc chắn và cung cấp thông tin chuyên sâu về nhiệt độ của CPU khi tải. Đây là phương pháp hiệu quả để kiểm tra giải pháp tản nhiệt của bạn.
  • 3 đến 5 giờ hoặc lâu hơn để xác thực ép xung ổn định 24/7.

Ép xung đơn giản

Intel® Extreme Tuning Utility (Intel® XTU) đơn giản hóa quá trình ép xung, để bạn có thể tận hưởng lợi ích nhanh chóng và an toàn.

Nếu thích ép xung, bạn có thể quan tâm đến ép xung RAM. Đồng thời, nếu bạn đang tìm phần cứng hỗ trợ ép xung, hãy xem hướng dẫn để chọn bo mạch chủ phù hợp.