Xử lý sự cố - Tại sao máy tính của tôi không lên nguồn?

Điểm nổi bật:

  • Chẩn đoán

  • Kiểm tra cáp

  • Kiểm tra bo mạch chủ

  • Thùng máy

  • Kiểm tra phần cứng

author-image

Bởi

Khi máy tính không lên nguồn, khó mà biết được nên bắt đầu giải quyết từ đâu. Các máy tính hiện đại thường khá phức tạp, vì vậy chúng ta không thể biết ngay được vấn đề nằm ở đâu.

Do có nhiều cấu hình phần cứng khác nhau, nên chúng ta không thể chẩn đoán mọi vấn đề có thể xảy ra. Thay vì vậy, chúng ta sẽ đề cập đến các bước mà bạn có thể thực hiện để xác định vấn đề và giải quyết. Dù bạn đang thiết kế máy tính chưa bao giờ lên nguồn thành công, hay bạn đang tìm cách giải quyết một vấn đề mới cho máy tính từng hoạt động tốt trước đó, thì những giải pháp chẩn đoán này cũng có thể giúp ích cho bạn như nhau.

Chẩn đoán

“Máy tính không lên nguồn” có nhiều ý nghĩa khác nhau. Để cho rõ ràng, chúng ta sẽ giả sử hệ thống của bạn hoàn toàn không phản ứng khi bạn nhấn nút nguồn trên thùng máy, hoặc máy tính lên nguồn trong cỡ một giây rồi sau đó tắt lại.

Nếu máy tính của bạn lên nguồn nhưng không có gì hiển thị trên màn hình, hoặc nếu bạn chỉ có thể nhìn thấy màn hình cài đặt BIOS và không thể truy cập hệ điều hành, thì bạn có thể xem hướng dẫn xử lý sự cố này về việc “Tại sao tôi không khởi động Windows được?”

Qua quy trình chẩn đoán, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về phần cứng máy tính khác nhau. Bạn có thể sử dụng hướng dẫn thiết kế máy tính này để tham khảo nếu có bất cứ thắc mắc nào về cách lắp ráp phần cứng máy tính, hoặc có thắc mắc về các bộ phận cụ thể.

Ngoài ra, bạn cũng nên đọc trước để tìm ra tình huống gần giống với của bạn nhất. Qua đó, bạn sẽ biết được điều gì sẽ xảy ra trước khi bắt đầu quy trình chẩn đoán, nhưng không phải sự cố nào cũng đúng với trường hợp của bạn. Vì vậy, hãy thoải mái bắt đầu từ bước có vẻ phù hợp với bạn nhất.

Bước 1: Kiểm tra cáp

Nếu hệ thống của bạn nhận điện (theo báo hiệu của đèn LED trên các bộ phận bên trong của máy tính) bạn có thể bỏ qua và đến thẳng Bước 3.

Nếu không, hãy bắt đầu từ những sợi cáp đi từ tường nhà bạn.

  • Kiểm tra để đảm bảo ổ cắm trên tường hoạt động tốt bằng cách cắm một thiết bị (chẳng hạn như đèn) mà bạn biết là còn tốt rồi quan sát.
  • Đảm bảo thiết bị chống sốc điện hoặc ổ điện được cắm đúng cách vào ổ cắm, cũng như công tắc điện được bật. Cắm các thiết bị khác vào ổ điện và xác nhận các thiết bị này hoạt động bình thường.
  • Kiểm tra lại để đảm bảo công tắc nguồn điện của máy tính đang bật.
  • Xác nhận rằng cáp điện của máy tính được cắm đúng cách vào nguồn điện và ổ cắm, vì có thể cáp sẽ bị lỏng sau một thời gian.

Sau khi đã kiểm tra lại các kết nối từ máy tính đến tường, bạn nên kiểm tra cáp điện của máy tính đang cắm vào PSU (còn gọi là cáp C13).

  • Nhiều màn hình sử dụng cùng một loại cáp như PSU máy tính để bàn. Nếu trường hợp bạn cũng như vậy, hãy đổi cáp màn hình bằng cáp máy tính và quan sát xem màn hình có mở không. Nếu không, hãy kiểm tra máy tính bằng cáp cấp nguồn cho màn hình.
  • Mua cáp C13 thay thế nếu không có cáp dự phòng. Hãy nhớ rằng một số thiết lập máy tính đặc biệt tiêu hao điện sẽ cần sử dụng cáp cỡ lớn, vì vậy hãy đảm bảo thay cáp bạn đang dùng bằng cáp có cỡ tương tự.

Sau khi đã nắm rõ được thông tin về dây cáp và ổ cắm tường, bạn nên chú ý đến đường cáp bên trong thùng máy.

Bước 2: Đường dây bên trong

Bước tiếp theo là bắt đầu kiểm tra bên trong máy để đảm bảo không có cáp nào bị lỏng hay bị hỏng. Nếu bạn đang xử lý hệ thống được lắp sẵn, hãy nhớ rằng nếu mở máy ra thì sẽ vi phạm quy tắc bảo hành. Do đó, tốt hơn là bạn nên liên hệ với nhà sản xuất máy của mình để được tư vấn trước khi tiếp tục.

Bắt đầu bằng cách tháo phích cắm cáp chạy từ nguồn điện của máy tính đến ổ cắm trước khi làm bất cứ điều gì khác bên trong máy tính. Ngoài ra, hãy đảm bảo ngắt kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi, như bàn phím, chuột hay ổ cứng ngoài, cùng với cáp màn hình cắm vào máy tính. Thiết bị USB hoặc cáp nối màn hình đôi khi có thể gây ra sự cố điện. Nếu máy tính của bạn khởi động mà không có cáp nào đang cắm vào, hãy cắm riêng từng cáp và kiểm tra cho đến khi bạn phát hiện được thiết bị ngoại vi có vấn đề, rồi thử và khởi động mà không cắm cáp đó hoặc kiểm tra bằng cáp thay thế.

Nếu cách này không có hiệu quả, hãy tháo phích cắm máy tính ra khỏi tường, mở thùng máy để tiếp cận các bộ phận bên trong. Quy trình này sẽ khác nhau tùy vào thùng máy, vì vậy hãy làm theo bất cứ tài liệu hay hướng dẫn nào thích hợp để tiếp cận bên trong máy tính của bạn.

Sau khi mở thùng máy, bạn cần kiểm tra tất cả các kết nối từ nguồn điện với các bộ phận trong máy tính, để xem có bất cứ kết nối nào bị lỏng không, rồi gắn chặt lại nếu cần. Nếu sử dụng PSU dạng khối (nguồn điện mà bạn chọn cáp mình muốn sử dụng), bạn cũng nên kiểm tra lại xem cáp có được gắn đúng cách trên PSU không. Sau khi đảm bảo không có kết nối nào bị lỏng ở cả hai bên, hãy kiểm tra xem máy tính có lên nguồn không.

Nếu cách đó không có kết quả, hãy tháo phích cắm của tất cả cáp điện được kết nối với các bộ phận của máy tính. Trong đó bao gồm các cáp điện 24 chấu và CPU được nối với bo mạch chủ, các cáp điện khác nối đến bất cứ thiết bị PCIe nào như GPU, cũng như các đầu nối điện SATA và Molex được nối với các thiết bị lưu trữ và các phụ kiện khác.

Để biết chi tiết hơn về các kết nối nguồn điện, hãy xem mọi thứ bạn cần biết về nguồn điện.

Sau khi đã tháo tất cả kết nối ra khỏi PSU, hãy cắm lại cáp bo mạch chủ và cáp điện CPU, cắm vào máy tính và kiểm tra xem hệ thống có lên nguồn không. Bạn có thể biết khi thấy quạt quay và đèn trên phần cứng sáng lên.

Nếu thấy đúng là vậy thì tốt rồi! Sau đó, bạn cần tắt máy và bắt đầu kết nối lại cáp điện với từng bộ phận phần cứng, rồi kiểm tra cho đến khi bạn tìm được phần cứng gây ra vấn đề. Một lần nữa, nếu bạn muốn xem hướng dẫn về những yêu cầu của phần cứng khi kết nối nguồn điện hoặc có thắc mắc gì về trường hợp này, hãy xem hướng dẫn thiết kế máy tính.

Trong khi kiểm tra bên trong thùng máy, hãy để ý đến bất cứ điều gì có thể gây ra đoản mạch điện. Những trường hợp phổ biến của sự cố này là bo mạch chủ được bắt vít trực tiếp vào thùng máy mà không sử dụng cốt cách điện cần thiết, hoặc các đầu nối Molex* có chấu tiếp xúc không đúng với thùng máy. Chuyện này hầu như không xảy ra nếu máy tính của bạn được lắp sẵn, nhưng lúc nào cũng nên kiểm tra và không phải chuyện gì cũng hoàn hảo 100%.

Nếu bạn đã thử tất cả các biện pháp bên trên nhưng vẫn không thấy đèn LED trạng thái của bộ phận sáng lên, thì có thể là PSU bị lỗi.

Nếu bạn có nguồn điện dự phòng mà bạn biết là còn hoạt động tốt, hãy cắm cáp CPU và cáp bo mạch chủ 24 chấu vào PSU mới để xem nó có cấp nguồn cho bo mạch chủ không. Nếu có, có khả năng vấn đề nằm ở PSU trước của bạn và bạn có thể liên hệ với nhà sản xuất PSU lỗi để tiến hành các bước tiếp theo.

Bước 3: Kiểm tra mã POST, bo mạch chủ và phần cứng

Có thể là hệ thống của bạn đang nhận điện — theo báo hiệu của đèn trên phần cứng bên trong — nhưng vẫn không lên nguồn bình thường. Nếu hệ thống của bạn vẫn không phản ứng khi bạn nhấn nút nguồn trên thùng máy, hoặc nếu lên nguồn được một giây rồi tắt lại, hãy làm theo các bước bên dưới.

Mã POST và bíp

Mặc dù khó có thể xác định được lý do máy tính không khởi động, nhưng bạn có thể thử các cách kiểm tra có sẵn trên máy. Mã Power On Self Test (POST) và mã bíp là dấu hiệu hình ảnh và âm thanh mà nhà sản xuất bo mạch chủ sử dụng để thông báo kết quả kiểm tra phần cứng bên trong. Các tín hiệu này có thể rất hữu ích trong việc xác định bất cứ vấn đề phần cứng nào có lẽ khiến máy tính của bạn không lên nguồn được.

Mã POST thường có 2 chữ số, cho biết hệ thống gặp sự cố phần cứng ở đâu trong quy trình khởi động. Mã này thường sẽ giúp xác định nguồn phát sinh vấn đề. Ví dụ: nếu mã POST cho biết lỗi khởi tạo bộ nhớ, bạn sẽ biết nên bắt đầu bằng cách xử lý sự cố RAM của mình. Nhiều bo mạch chủ có kiểu hiển thị thập lục phân để hiển thị mã này và cung cấp thông tin chi tiết về nơi cần bắt đầu quy trình chẩn đoán. Nếu bo mạch chủ của bạn không có hiển thị tích hợp, bạn có thể dùng thẻ kiểm tra POST gắn vào khe PCIe để hiển thị mã đó cho bạn.

Mã bíp là mã âm thanh tương tự như POST. Khi máy tính lên nguồn, giả sử là vậy, bạn có thể sẽ nghe thấy một loạt tiếng bíp. Các tín hiệu âm thanh này có chức năng chẩn đoán tương tự như mã POST. Ví dụ: 3 tiếng bíp nghĩa là không phát hiện thẻ video và bạn sẽ cần gắn lại GPU của mình.

Mặc dù các tín hiệu này có thể hữu ích, nhưng mỗi nhà sản xuất bo mạch chủ lại sử dụng một hệ thống mã khác nhau. Hãy xem tài liệu bo mạch chủ và tìm trên mạng để biết các mã mà nhà sản xuất bo mạch chủ của bạn sử dụng, từ đó kiểm tra xem bạn có xác định được vấn đề mà mình gặp không.

Cập nhật BIOS bo mạch chủ

Nếu bạn không nhận được mã POST và đã làm theo các bước bên trên, bạn nên đảm bảo mình đang sử dụng phiên bản BIOS mới nhất của bo mạch chủ.

Bạn thường có thể cập nhật BIOS của bo mạch chủ lên phiên bản mới nhất ngay cả khi máy tính của bạn không có mã POST. Quy trình này khác nhau tùy vào nhà sản xuất bo mạch chủ, vì vậy hãy tham khảo tài liệu bo mạch chủ hoặc kiểm tra trên mạng để đảm bảo bạn đang sử dụng phiên bản BIOS mới nhất cho hệ thống của mình.

Cách này chắc chắn không có hiệu quả nếu máy tính của bạn đang hoạt động thì bỗng dưng dừng lại, hoặc nếu bạn đang sử dụng hệ thống lắp sẵn. Nhưng nếu bạn đang thiết kế máy tính và máy không khởi động, đặc biệt là nếu bạn đang sử dụng bo mạch chủ cũ, hãy kiểm tra lại để đảm bảo bạn sử dụng BIOS mới nhất.

Bước 4: Nút nguồn

Nếu máy tính của bạn không lên nguồn, nhưng đèn bo mạch chủ sáng lên, có khả năng “thủ phạm” chính là thùng máy hoặc dây điện kết nối nút nguồn với bo mạch chủ.

Kiểm tra để xem bo mạch chủ có nút nguồn gắn sẵn không. Không phải bo mạch chủ nào cũng giống nhau; vì vậy hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng bo mạch chủ nếu bạn không chắc hoặc không tìm được nó. Việc sử dụng nút nguồn này sẽ bật nguồn hệ thống tương tự như nút nguồn được đi dây đúng cách. Nếu có hiệu quả thì vấn đề chính là thùng máy.

Nếu bo mạch chủ không có nút nguồn gắn sẵn, bạn có thể sử dụng tua vít để khởi động mồi hệ thống của mình.

Dưới đây là cách làm:

  • Tìm hai đầu công tắc nguồn trên bo mạch chủ. Các đầu nhỏ này thường được dán nhãn như PWR_SW, có các dấu + và -. Nếu nút nguồn trên thùng máy đã được nối cáp đến hai đầu này, bạn cần tháo các cáp này ra. Tham khảo hướng dẫn sử dụng bo mạch chủ nếu bạn đang gặp vấn đề tìm các đầu công tắc nguồn, vì đôi khi cách dán nhãn khiến chúng ta khó mà tìm được bằng mắt thường.
  • Đảm bảo các cáp nguồn 4/8 CPU và bo mạch chủ 24 chấu được kết nối, cũng như PSU được bật và cấp nguồn.
  • Chạm nhẹ tua vít kim loại vào hai chấu đầu công tắc nguồn, hệ thống sẽ lên nguồn nếu mọi thứ được kết nối chính xác. Quy trình này cũng cho kết quả giống như khi bạn nhấn nút nguồn trên thùng máy nếu được kết nối đúng cách, hoặc sử dụng nút nguồn gắn sẵn trên bo mạch chủ.

Nếu hệ thống của bạn lên nguồn khi sử dụng nút nguồn gắn sẵn, hoặc khi dùng tua vít để khởi động mồi bằng các đầu này, có thể là vấn đề nằm ở thùng máy. Nếu thùng máy có nút đặt lại, bạn sẽ thấy nó được nối với các đầu công tắc đặt lại gần các đầu nút nguồn. Hãy thử thay cáp nối với các đầu nút nguồn bằng cáp nối từ nút đặt lại. Các cáp này hoạt động tương tự nhau. Nếu vấn đề là ở nút nguồn trong thùng máy, bạn có thể xử lý bằng cách nối dây nút đặt lại với các đầu công tắc nút nguồn.

Dĩ nhiên là bạn sẽ phải nhấn nút đặt lại thay vì nút nguồn để bật máy tính, nhưng đó cũng là một giải pháp hiệu quả tạm thời. Hãy liên hệ với nhà sản xuất thùng máy để có giải pháp lâu dài hơn.

Bước 5: Kiểm tra các bộ phận

Nếu máy tính của bạn vẫn không lên nguồn, có thể đã đến lúc bạn nên kiểm tra từng bộ phận phần cứng. Quy trình này có khác một chút so với cách kiểm tra tất cả các cáp nguồn như trước đó. Quy trình trước đó giúp chúng ta biết rõ những dây điện bị lỗi từ nguồn điện. Bây giờ, chúng ta sẽ kiểm tra các kết nối với bo mạch chủ và đảm bảo tất cả phần cứng đều giao tiếp tốt với phần còn lại của hệ thống.

Bắt đầu bằng cách tháo GPU, ngắt kết nối mọi bộ lưu trữ, tháo phích mọi thứ ra khỏi I/O, rồi tháo tất cả trừ một thanh RAM trong khe RAM đầu tiên trên bo mạch chủ.

Bạn cần đảm bảo PSU có cấp nguồn cho bo mạch chủ và CPU, hoặc tháo bỏ phần cứng không cần thiết ra khỏi hệ thống của bạn.

Nếu máy tính lên nguồn với thiết lập tối thiểu nhất, hãy gắn một phần cứng vào, kiểm tra rồi tắt nguồn. Đừng quên đổi RAM ít nhất một lần, vì thanh RAM bạn đang sử dụng có thể là nguyên nhân khả thi.

Tiếp tục quy trình này cho đến khi hệ thống của bạn không khởi động thành công, bạn sẽ biết vấn đề nằm ở đâu. Nếu máy tính vẫn phát tín hiệu POST với mọi thứ trừ phần cứng bị lỗi, nghĩa là bạn đã xác định được vấn đề. Bạn có thể bắt đầu xử lý sự cố phần cứng hoặc cân nhắc nâng cấp.

Kiểm tra tiếp

Nếu bạn đã làm theo các bước xử lý sự cố bên trên mà vẫn chưa xác định được vấn đề, có thể là bạn đang gặp lỗi ở bo mạch chủ, PSU hoặc CPU.

Để xử lý, bạn cần hoàn toàn hiểu rõ các vấn đề phần cứng này. Nếu bạn có bộ phận dự phòng, đã đến lúc thay các bộ phận đã lắp đặt trước đó và kiểm tra xem có hữu ích không. Việc kiểm tra bằng bo mạch chủ khác có thể khó khăn hơn, vì bạn phải gắn lại PSU và bộ tản nhiệt (giả sử có tương thích), nhưng biện pháp xử lý sự cố dễ nhất là dùng phần cứng dự phòng.

Nếu đã đến lúc nâng cấp, có rất nhiều nguồn trên thị trường có thể giúp bạn tìm được máy tính chơi game mới của mình.