Bộ cấp nguồn của máy tính cá nhân: Cách chọn loại bộ cấp nguồn phù hợp cho bạn

Điểm nổi bật:

  • Cáp

  • Chỉ số Oát (Watt)

  • Bảo vệ

  • Hiệu quả

  • Hệ số hình dạng

author-image

Bởi

Thiết bị cung cấp điện (PSU) có thể không phải là linh kiện máy tính được thảo luận nhiều nhất, nhưng lại là một bộ phận quan trọng của bất cứ máy tính để bàn nào. Việc cung cấp điện năng cho toàn bộ hệ thống là một vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu sử dụng một bộ cấp nguồn không phù hợp có thể gây tốn kém.

Đó là lý do chúng tôi sẽ đề cập đến những yếu tố cơ bản nhất về các bộ cấp nguồn, cũng như cung cấp cho bạn thông tin cần thiết để hiểu được tại sao lại nên sở hữu một PSU phù hợp và lý do phương án rẻ nhất không phải là phương án tốt nhất.

Kết nối

Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu kỹ lưỡng nhiều loại cáp mà các bộ cấp nguồn sử dụng để cung cấp điện năng cho hệ thống.

Mặc dù PSU mà bạn mua thường sẽ đi kèm tất cả dây cáp cần thiết, nhưng tốt hơn là bạn vẫn nên hiểu rõ về từng loại dây nối. Loại dây cáp chính xác mà bạn sẽ sử dụng phụ thuộc vào các chi tiết trong cỗ máy của bạn, nhưng những loại phổ biến gồm có:

  • Bo mạch chủ 24 chấu: Cách phân bổ điện năng khác nhau tùy vào mỗi bo mạch chủ, nhưng cổng kết nối/dây cáp 24 chấu thường được dùng để cấp nguồn cho các tính năng quan trọng như chipset và PCIe*
  • CPU 4/8 chấu: Đây là cổng kết nối cung cấp điện năng cho CPU của bạn. Các CPU hiện đại sử dụng nhiều điện năng hơn cấu hình mà bo mạch chủ 24 chấu có thể cung cấp. Vì vậy, người ta thườn sử dụng thêm dây cáp 4/8 chấu. Dây cáp của CPU thường được cắm vào cạnh trên cùng bên trái của bo mạch chủ, gần I/O trên cách bố trí tiêu chuẩn. Tuy nhiên, điều này còn tùy vào nhà sản xuất
  • 6/8 chấu (PCIe*/GPU): Một số GPU sử dụng đủ điện năng từ khe PCIe*, trong khi các loại khác đòi hỏi phải có cáp điện riêng để vận hành đúng cách. Đa phần các PSU giải quyết sự khác biệt bắt buộc này bằng cách cung cấp các dây cáp có thể kết hợp theo nhiều cách khác nhau, một số trong đó bao gồm cổng nối 6 chấu, 8 chấu, 6+6 chấu, 8+6 chấu, 8+8 chấu và thậm chí là 8+8+8 chấu. Các PSU thường hỗ trợ nhiều cổng kết nối trên cùng một dây cáp để tránh phải sử dụng thêm dây. Với đại đa số người dùng, loại dây cáp tích hợp này cũng hoạt động giống như sử dụng nhiều dây cáp. Trước khi mua, hãy kiểm tra kỹ bộ cấp nguồn để đảm bảo có các kết nối mà GPU cần
  • SATA Power: Cổng kết nối này dùng để cung cấp điện năng cho các thiết bị lưu trữ SATA. Các thiết bị khác cũng áp dụng tiêu chuẩn này, như trung tâm RGB và bộ điều khiển quạt. Nhiều PSU tích hợp nhiều kết nối SATA trên cùng một dây cáp để giảm thiểu số lượng dây cần thiết
  • Molex 4 chấu: Đây là loại cổng kết nối đời cũ, ngày càng hiếm thấy. Hiện nay, đa phần loại này đều được thay thế bằng SATA. Cổng kết nối Molex thường thấy trên các phụ kiện ít phổ biến, như bơm tản nhiệt bằng nước

Có bao nhiêu watt?

Khi lựa chọn PSU mới, một trong những câu hỏi thường gặp nhất là “Bao nhiêu watt là đủ?” Cũng giống như khi lựa chọn trong một rừng phần cứng, câu trả lời sẽ khác nhau tùy vào những nhu cầu đặc thù của hệ thống.

Thông thường, các hệ thống càng phức tạp thì càng cần nhiều điện năng hơn để vận hành. Một máy tính để bàn có vòng tản nhiệt bằng chất lỏng tùy chỉnh, bo mạch chủ cao cấp và hai GPU sẽ tiêu hao nhiều điện năng hơn các hệ thống đơn giản.

Không thể đưa ra đề xuất chính xác nếu như không biết rõ phần cứng mà bạn đang sở hữu. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng PSU Wattage Calculator (Máy đo watt của PSU), hoặc xác định điện năng tiêu thụ của nhiều bộ phận bên trong rồi tổng hợp lại để biết rõ số lượng watt cần thiết.

Theo quy luật chung, tốt hơn hết là bạn nên chọn số watt cao hơn thay vì cố gắng chọn chính xác số watt cần thiết của hệ thống. Nếu tính được hệ thống sẽ sử dụng 500 watt (con số phổ biến của một bộ máy chơi game đơn giản), bạn nên chọn một PSU có số watt đầu ra là 600 hoặc 650, vì bạn sẽ tiết kiệm được một ít chi phí đầu tư và có thể nâng cấp thêm sau này.

Hãy ghi nhớ điều này khi cân nhắc mua PSU có số watt cao hơn: theo mặc định, một bộ cấp nguồn 750 watt không tiêu thụ hết 750 watt. Nếu hệ thống của bạn đang tiêu thụ 500 watt, bộ cấp nguồn của bạn sẽ cung cấp 500 watt, bất kể đầu ra tối đa là bao nhiêu chăng nữa. Số watt đầu ra cao không nhất thiết có nghĩa là sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn; chính xác là nó có khả năng cung cấp nhiều điện năng hơn nếu hệ thống của bạn cần. Nói cách khác, không có ưu điểm thực sự nào khi sở hữu một PSU có số watt cao hơn hẳn mức cần thiết. Vì thế, có thể sẽ tốt hơn nếu bạn chọn một PSU có nhiều tính năng, hiệu quả cao và có số watt gần bằng với số watt mà hệ thống cần.

Bạn cũng cần cân nhắc về chức năng công suất thường xuyên so với công suất đỉnh của PSU mới. Công suất đỉnh là công suất tối đa mà PSU có thể tạo ra trong các khoảng thời gian ngắn. Công suất thường xuyên là lượng công suất mà PSU tạo ra một cách thường xuyên theo mục đích sản xuất. Hệ thống thường đạt công suất đỉnh khi bị ép đến giới hạn của nó, chẳng hạn như khi chạy các game cấu hình cao hoặc thực hiện các kiểm tra đánh giá phần cứng.

Nếu hệ thống đột nhiên cần thêm điện năng, PSU có thể xử lý với đầu ra cao hơn trong thời gian ngắn, nhưng không nên để PSU hoạt động vượt số watt liên tục. Luôn đảm bảo rằng PSU bạn mua có công suất đầu ra thường xuyên đủ cao và không nên chỉ chọn dựa vào các chức năng công suất đỉnh.

Bảo vệ

Vì bạn không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra khi mọi thứ đều dùng điện năng cao, độ an toàn của hệ thống cũng là một điều cần quan tâm. Một bộ cấp nguồn tốt cần được tích hợp sẵn tính năng khởi động về giá trị mặc định an toàn khi gặp trục trặc. Tính năng này không chỉ tự bảo vệ PSU, mà còn đảm bảo an toàn cho cả hệ thống nếu xảy ra những điều ngoài dự kiến, chẳng hạn như trường hợp bị quá áp.

Bộ cấp nguồn và bo mạch chủ là hai bộ phận duy nhất kết nối với hầu hết mọi chi tiết phần cứng trong máy tính. Do PSU có vị trí đặc biệt trong cách bố trí của máy tính, nên hãy đảm bảo rằng máy có tích hợp bảo vệ để giúp các chi tiết phần cứng còn lại an toàn.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng bộ cấp nguồn bạn đang tìm hiểu có tích hợp biện pháp bảo vệ nào không, ví dụ như OVP (Over Voltage Protection - Bảo vệ quá áp) sẽ giúp tắt nguồn PSU nếu phát hiện điện áp cao quá mức. Các tính năng an toàn khác bao gồm những chức năng như bảo vệ đoản mạch vì chúng có thể cực kỳ hữu dụng trong trường hợp điện áp không ổn định.

Bạn cũng nên kết nối máy tính với thiết bị chống sốc điện. Các thiết bị bảo về phần cứng này được thiết kế để tạo thêm một lớp bảo vệ cho hệ thống của bạn bằng cách chuyển hướng bộ cấp nguồn năng quá áp có thể gây hại ra khỏi những linh kiện đắt tiền.

Cân nhắc về tính hiệu quả

Điện năng chắc chắn là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn bộ cấp nguồn cho máy tính, hiệu quả của PSU cũng vậy. Việc truyền dẫn không hiệu quả sẽ dẫn đến lãng phí điện năng và quá nhiệt, có thể sẽ làm giảm tuổi thọ các linh kiện.

Vì đây là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc, nên đã có sẵn một hệ thống đánh giá độc lập đơn giản. Bạn có thể thấy nhiều bộ cấp nguồn có định mức “80 Plus” định mức này thường được ghi cạnh tên của một kim loại quý. Để nhận được định mức này, bộ cấp nguồn phải đạt hiệu quả ít nhất 80%, nghĩa là chỉ có tối đa 20% điện năng bị chuyển hóa thành nhiệt.

Định mức hiệu quả này được xác định theo hiệu năng ở hệ thống 115V. Kim loại càng quý thì định mức hiệu quả càng cao.

Bao gồm:

  • 80 PLUS
  • 80 PLUS Đồng
  • 80 PLUS Bạc
  • 80 PLUS Vàng
  • 80 PLUS Bạch kim
  • 80 PLUS Titan

PSU có hiệu quả càng cao thì càng tiêu hao ít điện năng và sản sinh càng ít nhiệt. Thông thường, hiệu quả cao hơn thì sẽ có giá đắt hơn, vì thế hãy cân nhắc lựa chọn phù hợp với bạn.

Dù là PSU có hiệu quả cao nhất thì vẫn có thể sản sinh ra nhiệt, nhưng đa số PSU sử dụng quạt để phân tán phần nhiệt đó. Nhiều bộ cấp nguồn được thiết kế để quạt chỉ bật lên khi cần, tức là khi PSU đạt ngưỡng nhất định. Các tính năng như vậy giúp giảm thiểu tiếng ồn.

Thậm chí còn có cả các bộ cấp nguồn tản nhiệt bằng chất lỏng, hoàn toàn không có tiếng ồn, dành cho những người thích sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Các lựa chọn về kiểu dáng và cách đi dây

Giống như đa số phần cứng máy tính, có vô số lựa chọn về kiểu dáng của bộ cấp nguồn.

Một yếu tố cần cân nhắc khi chọn kiểu dáng cho PSU là kích thước thực tế của sản phẩm. Đối với đa phần người dùng máy tính để bàn, các bộ cấp nguồn ATX tiêu chuẩn đều phù hợp. Dù vậy, bạn vẫn nên chắc chắn rằng PSU có thể vừa với vỏ máy bằng cách kiểm tra xem vỏ máy có đủ khoảng trống hay không.

Nếu bạn là người thích máy tính nhỏ gọn (SFF), hãy nghiên cứu nhiều hơn một chút để đảm bảo PSU sẽ vừa với vỏ máy. PSU dành cho SFF có rất nhiều kích thước, như SFX, CFX, v.v. Vì thế, hãy chắc rằng bạn tìm được PSU phù hợp với vỏ máy, dù máy tính của bạn nhỏ đến đâu đi chăng nữa.

Một đặc tính quan trọng nữa khi nói về các thuộc tính vật lý của PSU chính là nó có phải là dạng khối hay không.

Một bộ cấp nguồn vận hành bằng cách chuyển hóa điện năng từ ổ cắm trên tường và dẫn điện năng đó đến từng linh kiện trong hệ thống qua các dây cáp. Nếu bộ cấp nguồn của bạn không phải là dạng khối, các dây cáp sẽ được hàn sẵn trên bảng mạch, nghĩa là bạn không cần chọn dây cáp cho cỗ máy của mình nữa. Các dây cáp, dù là dây không dùng đến, vẫn cần được cất lại trong vỏ máy.

Trên phương diện chức năng, điều này không có gì sai. Tuy nhiên, nếu để các dây cáp lộn xộn, có thể làm giảm hiệu quả lưu thông không khí. Vì thế, hãy đảm bảo các dây cáp thừa không cản trở lưu thông không khí.

Mặt khác, các bộ cấp nguồn dạng khối không đi kèm dây cáp. Như vậy, quy trình lắp đặt sẽ thay đổi vì bạn cần nối từng dây cáp với PSU và linh kiện cần cấp điện, nhưng điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể tối ưu để tốn ít dây cáp hơn. Nhờ đó, bạn sẽ sở hữu một cỗ máy gọn gàng hơn và không khí lưu thông tốt hơn. Nhiều người sẽ không sử dụng hết cổng nối có sẵn của bộ cấp nguồn thông thường. Điều này giúp các PSU dạng khối hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra còn có lựa chọn thứ ba, trung hòa giữa hai lựa chọn, có thể gọi một cách sáng tạo là bộ cấp nguồn dạng bán khối. Đặc điểm của loại bộ cấp nguồn này chính xác như tên gọi: Một số dây cáp được dùng thường xuyên nhất đi kèm với PSU, bạn phải tự kết nối các dây còn lại.

Đối với các bộ cấp nguồn dạng khối và bán khối, bạn không nên kết hợp và lắp ráp các dây cáp của nhà sản xuất khác, hoặc thậm chí là mẫu khác của cùng nhà sản xuất, trừ khi có hướng dẫn cụ thể. Dù các đầu cáp kết nối đến những linh kiện trong cỗ máy đều được tiêu chuẩn hóa, nhưng đầu cáp nối với PSU thì không, nghĩa là các thương hiệu khác nhau có thể có các cổng kết nối khác nhau. Đó là lý do vì sao bạn chỉ nên dùng các dây cáp đi kèm với bộ cấp nguồn.

Điện năng cao cấp

Thiết kế máy tính cá nhân chính hoàn toàn là việc tùy chỉnh các linh kiện và bộ cấp nguồn cũng không phải là ngoại lệ. Ngoài những yếu tố chúng ta đã thảo luận, còn có rất nhiều tính năng bổ sung mà bạn có thể lựa chọn với các bộ cấp nguồn cao cấp. Các tính năng như đèn RGB, các kết nối bổ sung, nút thử, đo điện năng tiêu thụ qua kết nối USB lắp trong thường mang tính xa xỉ hơn là cần thiết, nhưng bạn có thể lựa chọn nếu thích.

Một cải tiến thú vị dành cho linh kiện bạn nên cân nhắc chính là vỏ bọc cáp tùy chỉnh của bộ cấp nguồn. Các dây cáp tùy chỉnh này cho phép người dùng được tự chọn màu sắc, vật liệu và dây cáp điện, góp phần tăng thêm mức độ tùy chỉnh cho cỗ máy của bạn. Cải tiến này hoàn toàn chỉ mang tính thẩm mỹ, nhưng cũng là một cách để tăng thêm nét tinh tế cho các linh kiện đôi khi bị coi nhẹ.

Bật nguồn

Bạn không nên để đến lúc sau cùng mới lựa chọn bộ cấp nguồn.

Lựa chọn một bộ cấp nguồn phù hợp cho hệ thống sẽ bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ đơn giản tìm ra bộ cấp nguồn có công suất cao nhất và giá rẻ nhất. Bạn cần cân nhắc kiểu dáng, hiệu quả, cường độ dòng điện, tính năng bảo vệ và các dây cáp cần thiết, cũng như các chi tiết khác theo mong muốn.

Một bộ cấp nguồn tốt có tuổi thọ nhiều năm và có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của máy tính. Vì thế, hãy dành thời gian để lựa chọn sáng suốt.

Máy tính sẽ biết ơn bạn vì điều đó.