Ép xung CPU là cách tuyệt vời để khai thác hiệu năng của phần cứng. Quá trình có vẻ phức tạp, nhưng những nguyên tắc cơ bản về cách ép xung thực sự khá dễ hiểu. Chúng tôi sẽ đề cập đến những thông tin cơ bản về ép xung, cách ép xung và một vài phương pháp tự thực hiện an toàn.
Chúng tôi đã hướng dẫn chi tiết về hai phương pháp ép xung phổ biến. Phương pháp đầu tiên và dễ nhất là sử dụng Intel® Extreme Tuning Utility (Intel® XTU). Phần mềm tích hợp mọi tính năng này giúp bạn xử lý hầu hết các tác vụ khó và giúp đơn giản hóa quy trình ép xung sao cho phù hợp với những người lần đầu tiên thực hiện.
Nếu bạn đang tìm phương pháp có tính thực tiễn và linh hoạt hơn, bạn có thể tìm hiểu về cách ép xung thủ công bằng BIOS ở đây.
Nếu không, chúng tôi sẽ bắt đầu trình bày những thông tin cơ bản và hướng dẫn về những điều bạn cần biết để bắt đầu ép xung CPU.
Việc thay đổi tần số xung nhịp hoặc điện áp có thể làm mất hiệu lực bảo hành sản phẩm và làm giảm tính ổn định, bảo mật, hiệu suất và tuổi thọ của bộ xử lý và các linh kiện khác.
Thông tin cơ bản về CPU
CPU (Bộ xử lý trung tâm) là bộ não của máy tính. Đây là bộ phận mạnh mẽ và phức tạp của phần cứng, được thiết kế để thực hiện một lượng rất lớn các phép tính mỗi giây giúp trải nghiệm trên máy tính hiện đại trở nên tuyệt vời hơn.
Tốc độ tính toán của bộ xử lý bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xung nhịp tần số hoạt động, còn có tên gọi là tần số xung nhịp của CPU, tần số của CPU hay tốc độ xung nhịp. Tần số này càng cao, bộ xử lý càng thực hiện nhanh hơn một lượng lớn các phép tính mà hệ thống của bạn yêu cầu để hoạt động hiệu quả.
Thông tin cơ bản về ép xung
Để ép xung bộ xử lý, bộ ép xung cần cố gắng khiến cho tần số hoạt động của CPU cao hơn thông số kỹ thuật ban đầu lúc xuất xưởng. Vì tần số của bộ xử lý ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tính toán hiệu quả của CPU, nên mục tiêu cuối cùng là gia tăng tần số của CPU nhằm đạt được hiệu năng cao hơn.
Tần số của CPU được xác định bởi ba yếu tố:
- BCLK hay còn gọi là tốc độ xung nhịp cơ sở. Đây là tần số cơ sở của CPU, thường được đo bằng đơn vị GHz.
- Hệ số nhân hay còn gọi là “hệ số nhân lõi.” Mỗi lõi CPU có một hệ số nhân riêng. Các hệ số nhân này nhân với tần số xung nhịp cơ sở sẽ cho ra kết quả là tần số lõi, thường được đo bằng đơn vị GHz.
- Vcore hay còn gọi là điện áp lõi. Đây là điện áp đầu vào chính của bộ xử lý. Điện áp càng cao thì tần số của CPU càng ổn định, do tốc độ càng nhanh thì càng cần nhiều năng lượng. Điện áp lõi càng cao thì nhiệt tản ra càng nhiều và CPU sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn.
Nói đơn giản: BCLK x Hệ số nhân = Tần số lõi của CPU
Ví dụ: 100 MHz (BCLK) x 44 (Hệ số nhân lõi) = 4400 MHz = 4,4 GHz. Con số tính bằng GHz này là con số mà bạn dễ gặp nhất khi xem thông số kỹ thuật cơ bản về tốc độ của CPU.
Để tăng tần số của CPU trong thời gian ép xung, chúng ta sẽ tăng hệ số nhân theo mức +1, tăng tần số của bộ xử lý thêm 100 MHz cùng lúc một cách có hệ thống, sau đó kiểm tra mức độ thành công và ổn định. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục quá trình đó cho đến khi đạt được giới hạn tối đa của phần cứng.
Ngoài việc điều chỉnh tần số, quá trình ép xung có thể yêu cầu bạn tăng mức điện áp nhất định và điều chỉnh những cài đặt khác về hiệu năng trên hệ thống để duy trì sự ổn định ở tần số cao.
Phần cứng cần sử dụng để ép xung
Chúng tôi vừa đề cập đến những thông tin cơ bản, bây giờ hãy cùng tìm hiểu phần cứng quan trọng mà bạn sẽ cần sử dụng để ép xung.
Bạn cần phải sử dụng biện pháp tản nhiệt thích hợp khi ép xung CPU. Tốc độ và điện áp càng cao có nghĩa là CPU sẽ tỏa ra càng nhiều nhiệt và điều đó có nghĩa là cần phải có biện pháp tản nhiệt hiệu quả để CPU hoạt động an toàn. Bộ tản nhiệt CPU tốt đóng vai trò rất quan trọng khi thực hiện ép xung.
Bạn cũng sẽ cần CPU có chữ K hoặc X ở cuối tên. Hậu tố của các bộ xử lý chuỗi K và X cho biết hệ số nhân tần số của bộ xử lý không bị khoá và do đó có thể ép xung. Để tìm hiểu thêm về tên và ký hiệu của bộ xử lý Intel®, vui lòng xem bài phân tích này về tên của CPU.
Bạn cũng sẽ cần có bo mạch chủ để có thể ép xung. Có rất nhiều hãng sản xuất để lựa chọn, nhưng bạn sẽ cần tìm bo mạch chủ thuộc dòng Z, chẳng hạn như Z390, hoặc dòng X, chẳng hạn như bo mạch chủ X299, tùy thuộc vào CPU của bạn. Những chipset này có tích hợp khả năng hỗ trợ ép xung và các tính năng khác có thể giúp nâng cao trải nghiệm.
Vì để tương thích với nhiều thông số kỹ thuật khác nhau trên thị trường nên có khả năng hai bo mạch chủ có chipset Z giống hệt nhau không có tính năng giống nhau. Hãy đảm bảo chọn đúng bo mạch phù hợp cho bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách chọn bo mạch chủ tại đây.
Thiết lập hiệu năng cơ sở
Bây giờ bạn đã có phần cứng, bao gồm CPU, bo mạch chủ và biện pháp tản nhiệt phù hợp, chúng ta có thể bắt đầu quy trình ép xung.
Bước đầu tiên là đo hiệu năng hiện tại của hệ thống ở các cài đặt mặc định lúc xuất xưởng. Cần phải thực hiện bước này trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Thao tác này sẽ cho phép bạn dễ dàng xác định vấn đề và theo dõi bất kỳ thay đổi nào về hiệu năng.
Để thiết lập mức hiệu năng cơ sở, bạn sẽ cần dùng phần mềm định chuẩn. Những công cụ phần mềm này ước tính hiệu năng tính toán hiệu quả của hệ thống và cho phép bạn theo dõi bất kỳ sự cải tiến nào. Các công cụ khác sẽ giúp theo dõi các số liệu quan trọng khác như tần số xung nhịp của CPU, điện áp và nhiệt độ ở các giai đoạn khác nhau của quy trình này.
Mục đích của việc định chuẩn hệ thống ban đầu này là xác minh rằng mọi bộ phận đều hoạt động đúng chức năng trước khi ép xung và thiết lập mức hiệu năng cơ sở để định lượng tác động về mặt hiệu năng của quy trình ép xung. Điều này sẽ giúp hiểu rõ hơn hiệu năng của hệ thống và hiệu quả của biện pháp tản nhiệt.
Sau đây là một số yếu tố quan trọng cần theo dõi khi thực hiện bài kiểm tra đầu tiên:
- Điện áp của CPU (Vcore): Giá trị điện áp lõi của CPU như thế nào trong quá trình định chuẩn? Hãy xem xét giá trị Vcore khi CPU đang chịu tải chứ không phải khi không chịu tải, vì bo mạch chủ có thể tự động giảm giá trị này để giảm mức tiêu thụ điện năng khi không chịu tải.
- Nhiệt độ của CPU: Nhiệt độ tối đa mà tất cả các lõi CPU có thể đạt tới (nhiệt độ của toàn bộ CPU) trong quá trình kiểm tra sức chịu đựng là bao nhiêu? Ngoài ra, nhiệt độ của lõi nóng nhất là bao nhiêu? Hãy nhớ cân nhắc đến nhiệt độ phòng trong giai đoạn này, vì yếu tố này có thể ảnh hưởng đến các chỉ số và hiệu năng của biện pháp tản nhiệt.
- Mức tiêu thụ điện năng của hệ thống: Mức tiêu thụ điện năng tối đa của hệ thống là bao nhiêu?
- Điểu chuẩn: Điểm số cuối cùng của quá trình định chuẩn là bao nhiêu?
Lưu ý quan trọng:
- Để ép xung, cần theo dõi nhiều con số khác nhau. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhớ các số đo này, hãy theo dõi tất cả các con số này trong một bảng tính đơn giản hoặc làm theo cách thủ công hơn và ghi lại trên một tờ giấy.
- Để thu được điểm cơ sở cụ thể hơn cho các quá trình định chuẩn nhất định, bạn có thể phải chạy các quy trình này nhiều lần và tính kết quả trung bình.
- Chênh lệch lớn giữa các chỉ số về nhiệt độ lõi của CPU có thể cho thấy vấn đề về lắp bộ tản nhiệt hoặc bôi keo tản nhiệt không đúng cách.
Bắt đầu ép xung
Bây giờ, bạn đã có giá trị cơ sở, đã đến lúc bắt đầu ép xung thật sự. Lúc này, bạn nên thực hiện từng bước một. Nếu bạn muốn thực hiện những thay đổi nhỏ, hãy kiểm tra trước khi tiến hành. Việc này sẽ cho phép bạn nhanh chóng khắc phục mọi vấn đề mà bạn có thể gặp phải, vì bạn sẽ dễ dàng xác định thay đổi gây ra vấn đề này.
Ép xung lần đầu
Như đã đề cập ở phần trước, bạn có rất nhiều cách để tiến hành quy trình ép xung theo từng bước. Bạn nên bắt đầu với Intel® XTU, vì tiện ích này có tất cả các công cụ cần thiết để định chuẩn, thay đổi các thiết lập và kiểm tra độ ổn định của hệ thống.
Nếu muốn kiểm soát hiệu năng và thiết lập nhiều hơn, bạn cũng có thể ép xung CPU từ BIOS của máy tính, tuy nhiên chỉ những người dùng có kinh nghiệm hơn mới nên làm theo cách này. Vì BIOS và cấu hình phần cứng rất đa dạng, quy trình từng bước có thể có đôi chút khác biệt tuỳ thuộc vào hệ thống của bạn.
Cách khác là bạn sẽ bắt đầu bằng cách điều chỉnh hệ số nhân lõi của CPU để tăng dần lên tần số mong muốn. Có khả năng bạn sẽ thấy một vài lõi ban đầu được thiết lập cao hơn các lõi khác. Đặt tất cả các lõi khả dụng về cùng một giá trị. Ở đây, chúng tôi đã sử dụng -2 để đặt tất cả các lõi về 4,2GHz.
Mục đích của việc này là đặt tất cả các lõi của CPU về cùng một tốc độ để đảm bảo chúng ta có thể chạy ở một tần số được thiết lập chính xác trên tất cả các lõi CPU.
Sau khi bạn đã định thời cho CPU và điều chỉnh điện áp một cách thích hợp, có thể bằng Intel® XTU hoặc thông qua BIOS, hãy áp dụng các thay đổi này và khởi động lại hệ thống.
Sau khi tiến hành ép xung
Sau khi bạn thay đổi các thiết lập cho hệ thống, áp dụng các thiết lập này và khởi động lại hệ thống, bạn sẽ gặp một trong hai tình huống sau:
- Hệ thống của bạn ổn định và bạn muốn tiếp tục ép xung để có hiệu năng cao hơn. Nếu vậy, hãy lặp lại quy trình tăng hệ số nhân của CPU thêm +1. Áp dụng thiết lập mới, khởi động lại và chuyển sang phần "Đo lường mức tăng hiệu năng."
- Hệ thống của bạn không ổn định, tức là gặp sự cố hoặc bị treo khi khởi động lại.
Nếu hệ thống của bạn không ổn định, bạn có một vài lựa chọn sau. Lựa chọn đầu tiên là tăng Vcore để bù đắp cho tần số gia tăng. Điều này có thể giúp hệ thống hoạt động ổn định.
Khi tăng điện áp lõi của CPU, hãy nhớ rằng bất kỳ điện năng bổ sung nào chạy qua CPU sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ tản ra của CPU. Cần phải tìm được điện áp ổn định thấp nhất trong mọi trường hợp, vì vậy mỗi lần chỉ tăng dần điện áp thêm +0,05V, sau đó áp dụng và kiểm tra cho đến khi tìm thấy tổ hợp thiết lập mang lại hiệu quả.
Một lựa chọn khác là giảm tần số bằng cách giảm giá trị hệ số nhân cho đến khi hệ thống hoạt động ổn định. Đây có thể là lựa chọn duy nhất nếu bạn đã đạt tới giới hạn về điện áp/nhiệt độ.
Lưu ý: Khi sử dụng các phương pháp tản nhiệt truyền thống như không khí hoặc chất lỏng, không bao giờ đẩy điện áp lên quá 1,4V. Hãy luôn giữ nhiệt độ CPU tối đa dưới mức 100°C đối với những tác vụ nhanh tạm thời và từ 80°C trở xuống đối với những tác vụ lâu hơn.
Xem phần "Quản lý mức tiêu thụ điện năng và nhiệt độ" để biết thêm thông tin chi tiết về giới hạn nhiệt độ của CPU.
Giới hạn của phần cứng
Cuối cùng bạn sẽ đạt đến giới hạn của hệ thống về tần số/điện áp/nhiệt độ. Giới hạn này sẽ khác nhau tùy theo từng hệ thống.
Sau khi đạt tới ngưỡng trên, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Thử ép xung bộ nhớ đệm của CPU. Việc này được thực hiện tương tự như các bước nêu trên, chỉ sử dụng hệ số nhân của bộ nhớ đệm trong CPU.
- Thử ép xung RAM. Tốc độ của bộ nhớ có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu năng. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách ép xung RAM ở đây.
- Nâng cấp lên biện pháp tản nhiệt tốt hơn.
- Kiểm tra xem các biện pháp bảo vệ có làm thay đổi hiệu năng không và quyết định xem bạn có tự tin điều chỉnh các biện pháp này hay không. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các biện pháp bảo vệ dưới đây.
Sau khi áp dụng các thay đổi và hệ thống đã khởi động lại thành công, đã đến lúc xem thay đổi của hệ thống cũng như kiểm tra độ ổn định và hiệu năng.
Đo lường mức tăng hiệu năng
Phương pháp đo hiệu năng hiệu quả là nền tảng của bất kỳ quá trình ép xung thành công nào. Đây là cách duy nhất để đo lường mức tăng hiệu năng.
Trước đó bạn đã có được số đo hiệu năng cơ sở bằng cách tiến hành kiểm chuẩn. Bây giờ hãy tiến hành quy trình kiểm chuẩn tương tự và so sánh điểm số.
Ép xung là quy trình lặp lại nhiều lần. Nếu đây là lần ép xung đầu tiên, mức tăng hiệu năng có thể chưa đáp ứng mục tiêu của bạn. Đây là điều bình thường. Với mỗi lần điều chỉnh hiệu năng thành công, bạn sẽ tiến dần đến mục tiêu về hiệu năng của mình.
Sau khi tiến hành định chuẩn lại và so sánh điểm, bạn có thể chuyển sang bước tiếp theo để đảm bảo độ ổn định hoặc tiếp tục điều chỉnh các thiết lập để cải thiện hiệu năng.
Mức tiêu thụ điện năng và nhiệt độ
Theo dõi mức tiêu thụ điện năng và nhiệt độ đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình ép xung. Trong giai đoạn này, biện pháp tản nhiệt sẽ đóng vai trò không nhỏ quyết định bạn có ép xung thành công hay không.
Hãy chú ý đến giới hạn trên của nhiệt độ CPU nữa. Để tìm hiểu về nhiệt độ cho phép tối đa của CPU mà bạn đang sử dụng, hãy truy cập trang này và tìm "nhiệt độ lõi" của CPU. Trong ví dụ dưới đây, bạn sẽ thấy giới hạn nhiệt độ là 100°C. Bạn không muốn nhiệt độ CPU ở mức này hoặc thậm chí gần mức này khi đang chịu tải. Nhiệt độ lý tưởng để hầu hết các CPU hoạt động bình thường là ở khoảng 80°C hoặc thấp hơn, hãy đảm bảo rằng kết quả của quá trình ép xung phản ánh điều này.
Khi nhiệt độ vượt quá giới hạn Nhiệt độ lõi được quy định, có nguy cơ nhiệt độ này sẽ làm hỏng bộ xử lý của bạn. Mặc dù các biện pháp bảo vệ tồn tại để giảm thiểu rủi ro, nhưng bạn luôn phải tìm ra nhiệt độ thấp nhất có thể cho bất kỳ quá trình thiết lập hiệu năng nhất định nào để đảo bảo tuổi thọ CPU của bạn.
Ổn định hệ thống
Khi ép xung, bạn đang cố đẩy giới hạn của phần cứng lên. Do đó, hệ thống của bạn có thể sẽ không được ổn định trong quá trình này. Tình trạng không ổn định của hệ thống có thể biểu hiện như sau:
- Giật
- Tắt máy
- Thông báo lỗi trên màn hình xanh dương
- Treo máy
Các sự cố này có nghĩa là các thiết lập bị mất cân bằng. Đừng hoảng loạn; đây là điều bình thường của quá trình kiểm tra vì hệ thống của bạn đang đẩy các giới hạn lên. Bạn chỉ cần khởi động lại hệ thống bằng nút khởi động lại hoặc nút bật/tắt nguồn nếu nút khởi động lại không phản hồi.
Từ đây, có thể có ba kết quả như sau:
- Hệ thống không khởi động, ngay cả sau khi tắt/bật. Trong trường hợp này, bạn phải xóa CMOS — tức là, xoá các thiết lập BIOS để đặt lại bo mạch chủ về cấu hình mặc định và khởi động lại. Nếu thao tác này vẫn không hiệu quả, hãy thử khắc phục sự cố bằng các phương pháp này.
- Hệ thống khởi động lại. Khi gặp sự cố, hệ thống vẫn chưa đạt tới giới nhiệt độ tối đa. Trong trường hợp này, chúng ta có thể tăng Vcore của bộ xử lý lên một chút và thử lại. Không tăng điện áp quá mức cần thiết,vì điều này sẽ khiến nhiệt tản ra nhiều hơn và có thể khiến CPU làm việc quá sức.
- Hệ thống khởi động lại. Khi gặp sự cố, hệ thống đã đạt tới giới hạn nhiệt độ tới hạn và các biện pháp bảo vệ đã bắt đầu bảo vệ CPU khỏi tác động của sự quá nhiệt. Bạn đã xác định được giới hạn của biện pháp tản nhiệt cho hệ thống của bạn. Trong trường hợp này, bạn nên giảm tần số xung nhịp hoạt động của bộ xử lý để quay về trạng trạng thái ổn định hơn trong giới hạn nhiệt độ cho phép. Để làm được như vậy, bạn có thể phải giảm giá trị Vcore của CPU, nâng cấp lên biện pháp tản nhiệt mạnh mẽ hơn hoặc cân nhắc các thiết lập khác có thể giúp tăng hiệu năng mà ít làm ảnh hưởng đến nhiệt độ như bộ nhớ đệm của CPU, tần số bộ nhớ, thời gian bộ nhớ hoặc tối ưu hoá hệ điều hành.
Bước cuối cùng của quá trình ép xung bao gồm việc kiểm tra sự ổn định lâu dài của hệ thống. Chỉ vì hệ thống của bạn đã khởi động lại và không gặp sự cố ngay lập tức không có nghĩa là hệ thống đã sẵn sàng để hoạt động trong suốt 24 giờ.
Để xác định xem hệ thống có thật sự ổn định hay không, cần phải tiến hành kiểm tra sức chịu đựng trong thời gian lâu hơn và ở cường độ mạnh hơn. Các ứng dụng phần mềm chuyên dụng cho phép chúng ta kiểm tra độ ổn định lâu dài của hệ thống ở các khối lượng công việc khác nhau. Hãy chuyển đến đây để tìm hiểu thêm về phần mềm kiểm tra sức chịu đựng và kiểm tra độ ổn định.
Thực hiện ép xung an toàn
Các phần cứng máy tính hiện đại thường được trang bị các biện pháp an toàn để bảo vệ hệ thống khỏi những hư hỏng tiềm ẩn do thay đổi điện áp hoặc quá áp.
Khi ép xung, bạn có thể gặp các cơ chế bảo vệ đã được tích hợp này, hầu hết cơ chế này xuất phát từ nguồn điện của hệ thống. Bạn có thể vô hiệu hóa hoặc thay đổi thông số của các biện pháp bảo vệ này, nhưng không nên làm vậy nếu bạn không nắm rõ cách thức tiến hành, vì bạn có thể làm hỏng phần cứng.
Sau đây là tổng quan ngắn gọn về một số biện pháp bảo vệ mà bạn có thể gặp phải:
Bảo vệ khi quá nhiệt (OTP): Biện pháp bảo vệ này giới hạn nhiệt độ của CPU ở mức tối đa đã được thiết lập sẵn. Nếu nhiệt độ của hệ thống quá cao, máy tính của bạn sẽ tự động điều chỉnh CPU (giảm tần số) để đưa nhiệt độ về mức an toàn. Điều này sẽ khiến CPU giảm hiệu năng. Nếu sự điều chỉnh nhiệt độ này vẫn không đủ để làm giảm nhiệt độ một cách hiệu quả, hệ thống sẽ tự động tắt.
Bảo vệ khi vượt quá công suất (OPP): Bo mạch chủ được thiết kế để duy trì một mức công suất nhất định. Nếu mức tiêu thụ điện năng của CPU quá cao, hệ thộng của bạn sẽ kích hoạt biện pháp bảo vệ này. Tương tự với OTP, biện pháp này sẽ giúp giảm xung nhịp của hệ thống nhằm làm giảm nhiệt độ và cuối cùng sẽ tắt hệ thống nếu việc này không thành công.
Bảo vệ khi quá dòng (OCP): Đây là biện pháp bảo vệ khác có ở tất cả các máy tính. Dòng điện tăng lên bên trong CPU khi điện áp và tần số tăng lên. Với những bo mạch chủ nhất định, có một cách để thay đổi giá trị này. (Trong Intel® XTU, việc này có thể thực hiện thông qua thiết lập “Processor Core ICCMAX” Rất có thể bạn cũng làm được như vậy trong BIOS.)
Bảo vệ khi quá áp (OVP): Cơ chế này được kích hoạt khi điện áp đầu vào của CPU quá cao.
Bảo vệ khi điện áp thấp (UVP): Cơ chế này có chức năng trái ngược với OVP. Trong trường hợp này, hệ thống của bạn sẽ tắt nếu điện áp của CPU quá thấp.
Bảo vệ khi đoản mạch (SCP): Cơ chế này sẽ được kích hoạt khi bo mạch chủ phát hiện có đoản mạch. Có rất ít lý do để tắt biện pháp bảo vệ này.
Phần mềm và công cụ ép xung
Để ép xung thành công, bạn sẽ cần có sự hỗ trợ của phần mềm để quá trình này diễn ra suôn sẻ. Phần mềm có thể giúp thay đổi các thiết lập một cách an toàn, định chuẩn và kiểm tra cũng như theo dõi và kiểm tra sức chịu đựng cho hệ thống để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định. Trong những mục sau, bạn sẽ được giới thiệu tóm tắt những tiện ích công cụ và phần mềm cần thiết cho quá trình ép xung.
Danh sách này không đầy đủ, nhưng sẽ mang lại cho bạn điểm khởi đầu tốt.
BIOS
BIOS (Hệ thống vào/ra cơ bản) là phần mềm chạy trên bo mạch chủ của bạn. (Phần mềm này còn có thể được gọi là UEFI [Giao diện phần sụn mở rộng hợp nhất] trong bo mạch chủ mới hơn.) Hoạt động hiệu quả ở một cấp độ dưới hệ điều hành, BIOS quản lý bo mạch chủ và cho phép giao tiếp với tất cả các phần cứng đã được cài đặt.
BIOS cũng là nơi bạn có thể điều chỉnh thông số hiệu năng cho phần cứng, bao gồm cả RAM, bộ nhớ và CPU.
Cần lưu ý rằng giao diện của BIOS khác nhau tùy thuộc vào hãng sản xuất bo mạch chủ. Để truy cập BIOS, bạn sẽ cần nhấn một phím cụ thể, chẳng hạn như F2 hoặc Delete vào ngay sau khi bật máy tính và trước khi màn hình tải Windows* xuất hiện. Tham khảo tài liệu bo mạch chủ của bạn để được hướng dẫn cụ thể.
Hãy đọc hướng dẫn ép xung CPU với BIOS để tìm hiểu cách sử dụng BIOS để thiết lập một tần số xung nhịp cụ thể cho CPU.
Tiện ích Extreme Tuning của Intel® (Intel® XTU)
Một công cụ ép xung mạnh mẽ vượt trội là Intel® XTU. Phần mềm này kết hợp một số tính năng quan trọng nhất mà bạn cần khi ép xung vào một ứng dụng duy nhất.
Intel® XTU phát hiện và theo dõi phần cứng, kiểm tra độ ổn định, hỗ trợ ép xung và có thể chạy định chuẩn. Giao diện đơn giản và có các chức năng cần thiết phục vụ cho những người ép xung ở trình độ trung cấp.
Hãy đọc toàn bộ hướng dẫn của chúng tôi về cách ép xung với Intel® XTU.
CPU-Z*
CPU-Z* của CPUID là một ứng dụng đơn giản và nhẹ cung cấp thông tin cần thiết về bộ xử lý,bo mạch chủ và RAM của bạn. Người mới bắt đầu cũng như chuyên gia cần phải có giải pháp pháp theo dõi đơn giản.
Core Temp
Core Temp là một công cụ theo dõi hữu ích khác được thiết kế để theo dõi nhiệt độ của từng lõi. Công cụ này cũng hiển thị mức độ tiêu thụ điện năng của CPU trong thời gian thực.
RealBench*
RealBench* là một tiện ích định chuẩn của ASUS được thiết kế để mô phỏng môi trường làm việc với khối lượng công việc lớn như chỉnh ảnh, mã hóa video, làm việc đa nhiệm với AVX và nhiều tác vụ khác.
3DMark*
3DMark* của UL Benchmark là một tiện ích định chuẩn bao gồm hai quy trình kiểm tra bộ xử lý và khối lượng công việc kết hợp của CPU và GPU. 3DMark là lựa chọn định chuẩn tuyệt vời để đo lường hiệu năng tổng thể của máy tính, đặc biệt là khối lượng công việc khi chơi game.
Kết luận
Bây giờ bạn đã biết cách ép xung, bạn đã sẵn sàng để khai thác tối đa hiệu năng của CPU.
Sau đây là một vài nguyên tắc chính cần nhớ khi ép xung:
- Đừng vội vã. Mỗi lần chỉ thay đổi một thiết lập, sau đó kiểm tra trước khi tiếp tục.
- Luôn theo dõi nhiệt độ của CPU và giữ ở mức thấp nhất có thể trong khi vẫn duy trì sự ổn định.
- Không được sử dụng điện áp CPU (Vcore) cao hơn mức cần thiết.
- Không được điều chỉnh các thiết lập hoặc biện pháp bảo vệ mà bạn không hiểu.
Khi nhớ được bốn nguyên tắc này, trải nghiệm ép xung của bạn sẽ rất vui, an toàn và hiệu quả. Hãy tận hưởng tốc độ xung nhịp nhanh hơn!